CÓ MỘT GIA ĐÌNH "VỢ ĐÁNH VÕ - CHỒNG NGÂM THƠ"

Hai con người như hai dòng chảy ngược chiều nhau, thế nhưng họ đã chung sống đến hơn 40 năm một cách êm đềm hạnh phúc. Đó là vợ chồng nữ võ sư Hồ Hoa Huệ và nhà thơ Trần Ngọc...

Vợ đánh võ
Nói đến nữ võ sư Hồ Hoa Huệ và sự nghiệp của bà thật tình không biết bắt đầu như thế nào. Vì khó mà tưởng tượng nổi người mình đã gặp lại là người sáng lập - đương kim chưởng môn phái Tinh võ đạo có đệ tử đến 21 nước trên thế giới. Nữ võ sư Hồ Hoa Huệ tên thật Nguyễn Thị Kim Xoa, quê cha ở đất võ Bình Định, quê mẹ ở Tiền Giang. Bà học võ với ông nội từ năm lên 4 tuổi đến năm 14 tuổi rời quê cha vào miền Nam và tiếp tục theo học các môn võ cổ truyền khác, kể cả quyền Anh. Những năm đang tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, bà đã thượng đài và giành chức vô địch. Năm 1985, bà đã sáng lập và làm chưởng môn phái Tinh võ đạo cho đến nay. Suốt từ thời gầy dựng môn phái, bà vừa lo phát triển Tinh võ đạo vừa truyền bá Võ cổ truyền VN ra thế giới. Tại Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền VN lần thứ nhất tổ chức tại Bình Định vào tháng 8 - 2006, bà làm phó ban tổ chức. Bằng mối quan hệ của mình, trong vòng 3 tháng, bà triệu tập được học trò từ 21 nước về tham dự. Năm 2000, tạp chí Võ thuật Pháp bầu chọn bà là “người đàn bà vàng”. Bốn năm liền (1996 - 1999), bà luôn là đương kim vô địch kỹ thuật hạng tuổi 50 - 60 v.v...

Với một đời người theo đuổi một sự nghiệp, những thành quả lao động không ngừng nghỉ mà võ sư Hồ Hoa Huệ đạt được thật đáng kính nể. Nhưng đáng quý hơn nữa, võ sư Hồ Hoa Huệ còn là người thông qua võ thuật quảng bá đất nước, văn hóa, con người VN ra thế giới. Trên mỗi bàn thờ ở các võ đường Tinh võ đạo tại các nước, võ sư Hồ Hoa Huệ đều lập một bàn thờ Tổ Hùng Vương để các học trò khấn lạy khi nhập môn. Vì theo bà, người nước ngoài muốn học Võ cổ truyền VN thì phải biết chút ít tiếng Việt, phải yêu con người, văn hóa, đất nước VN. Chính vì Tinh võ đạo thờ Tổ Hùng Vương nên dịp mùng 10 - 3 âm lịch năm nào, bà cũng cùng chồng đi đến một nước nào đó để làm lễ Giỗ Tổ cùng các đệ tử bản địa. Khi chứng kiến cảnh người Tây, người Phi lạy Tổ nước mình, bà đã nhiều lần bật khóc vì xúc động. Võ sư Hồ Hoa Huệ buồn nhất là Võ cổ truyền VN chưa được người dân lưu tâm nhiều trên chính mảnh đất sinh ra. Trong khi đó, chỉ riêng tại Pháp, đệ tử Tinh võ đạo đã lên đến khoảng 10.000 người. Bà cho rằng: “Các bạn trẻ chúng ta theo học võ Nhật, Hàn... đôi khi vì chuộng ngoại mà quên mất sự tuyệt vời của Võ cổ truyền. Nếu chúng ta ai cũng yêu cái hay cái đẹp của mình, trong khi không quên học hỏi cái hay của người để phát huy thế mạnh của ta thì sợ gì không có môn thi đấu giành huy chương quốc tế”.
Đệ tử của Tinh võ đạo trình độ học vấn trung bình khá cao, nhiều người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Trong ứng xử với đệ tử của mình, võ sư Hồ Hoa Huệ được họ gọi bằng thầy, còn bà gọi họ là bạn. Nhiều người thắc mắc sao “thầy” không gọi họ là “con”. Bà từ tốn: “Tôi chỉ giỏi võ chứ học hành đâu bằng các bạn, nhiều thứ tôi phải học các bạn”. Và bà đã vừa đi dạy võ vừa học cách tổ chức của các nước tiên tiến để Tinh võ đạo ngày càng phát triển.
Chồng ngâm thơ
Sự thành công của võ sư Hồ Hoa Huệ không thể thiếu vắng bóng dáng, công sức của nhà thơ Trần Ngọc. Trong những lần trả lời phỏng vấn các báo, đài, võ sư Hồ Hoa Huệ bảo rằng chồng bà không biết võ. Đúng như thế, nhà thơ Trần Ngọc chỉ đơn thuần làm thơ, viết văn, viết báo nhưng rõ ràng rằng hai người là một nửa của nhau. Ông giải thích đơn giản: “Chúng tôi bổ sung cho nhau, như nắp vung và nồi”. Nhà thơ Trần Ngọc đã bổ khuyết nhiều điểm yếu của vợ trong các chuyến đi dạy võ nước ngoài. Bà không rành ngoại ngữ nên mọi đối thoại với người nước ngoài đều nhờ ông phiên dịch. Hơn nữa, cứ nghĩ rằng bà giỏi võ thì sẽ mạnh mẽ như nam giới, thế nhưng không! Trong những ngày chen lấn trên tàu điện ngầm đi khắp 15 nước châu Âu, chính ông là người vác túi binh khí trên lưng cùng với việc bảo vệ “người đàn bà vàng” của mình tránh cảnh xô đẩy. Đôi vai của ông vẫn cứ là điểm tựa vững chắc của bà 40 năm nay. Khi chúng tôi hỏi: “Ông có khi nào làm buồn vợ con và bị bà “ra chiêu” chưa?”. Thay vì trả lời, ông bảo hãy hỏi bà cho khách quan. Khi hỏi bà, bà cười ý nhị: “Tôi là một phụ nữ bình thường như bao phụ nữ VN khác. Thêm nữa, gia đình nào mà không có chuyện lục đục, những lúc đó chúng tôi chỉ đối thoại nhẹ nhàng vì sợ các con buồn”. Bà còn khẳng định rằng ông không có máu “lăng nhăng”, nếu như ông có thì: “Bó tay thôi, tình yêu làm sao gượng ép được” - bà nói.
Ông bắt đầu “tán tỉnh” từ khi bà chỉ mới 17 tuổi, ông 19. Gia cảnh bà nghèo nên trọ học ở gia đình ông cũng chẳng khá giả gì. Ông thấy bà được mắt nên lân la hằng đêm chở bà đi luyện võ. Rồi ông chở bà lên sàn đấu. “Đau lòng nhất là những lúc” - ông nói - “thấy người yêu của mình hứng đòn mà chỉ biết cầu trời sao cho nàng thắng”. Sau này không chịu nổi, ông ngỏ lời cầu hôn với bà bằng câu: “Nếu em không thượng đài nữa thì làm vợ anh”. Và bà đã làm vợ ông năm 19 tuổi, vẫn tiếp tục tập, dạy võ đến nay.
Cả hai là nghệ sĩ
Sự chung thủy của hai người xem ra như một dây chuyền mắt xích. Đó là ông yêu bà, bà yêu võ nên ông cũng mê võ bằng công việc viết báo võ thuật. Ngược lại, bà yêu ông, ông mê thơ nên bà cũng mê thơ. Nhà thơ Trần Ngọc xuất bản một tập văn thơ có tên Nhớ màu hoa dã quỳ - NXB Thanh Niên 2000. Còn bà cũng không kém, bà là soạn giả của hơn 200 bài vọng cổ và một số bài thơ viết về nghiệp võ: “Trăng ơi xin hỏi mấy câu/ Thành lập quốc võ bao lâu mới rồi?” (Bà mong muốn Võ cổ truyền VN cùng đi về một đích nhưng sự mong ước chưa thành). Tuy tuổi của võ sư Hồ Hoa Huệ đã cao nhưng bà chưa có khái niệm về hưu, vì bà cho rằng: “Võ sư cũng như nghệ sĩ nên không có tuổi. Tuổi đời thì có, tuổi võ thì không!”. Bà khuyên các bạn gái không nên ngại tập võ cổ truyền vì biết võ sẽ đi đứng uyển chuyển, nhẹ nhàng và giữ gìn vóc dáng cân đối. Còn ông lúc nào cũng là tay “săn ảnh” đắc lực chuyên chụp cảnh bà đang biểu diễn vì ông thấy bà luôn luôn đẹp. Có lẽ điểm chung yêu đời này đã gắn kết họ bền bỉ đến như vậy.

Không có nhận xét nào: